Chuyển tới nội dung

Hội Thủy Sản Kiên Giang

Mỹ dự kiến áp thuế 46%, vẫn có hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ

  • admin 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và 5 tới đây.

Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ ký sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam với mức 46%. Các mặt hàng thủy sản được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ quyết định này.

Trước tình hình đó, VASEP đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo VASEP, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD sang Mỹ, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản.

Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong đó, 70% các sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) đang gắn với sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân tại các địa phương. Tương tự, 30% sản phẩm xuất khẩu là từ hải sản khai thác – là sinh kế, nguồn sống của hàng trăm ngàn ngư dân Việt Nam. Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm, cá ngừ, thị trường số 2 của cá tra Việt Nam.

Hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP (giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ.

Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này và cả những thiệt hại to lớn với nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển tới Mỹ có thể bị áp mức thuế cao 46%.

Theo thống kê nhanh, sơ bộ và chưa đầy đủ của VASEP, hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và 5 tới đây, với nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025 khoàng 38.500 tấn.

VASEP cho hay, hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và 5 tới đây.

VASEP cho hay, đây là những con số sơ bộ vô cùng lớn với ngành thủy sản. VASEP đưa ra ví dụ: Một lô tôm 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), giờ có thể chịu thuế 46% (230.000 USD), tăng thêm 205.000 USD chi phí quá lớn và không lường trước.

Trước tình thế khẩn cấp này, VASEP đề xuất Thủ tướng và các Bộ có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ sớm nhất để giúp ngành thủy sản một số nội dung quan trọng sau:

Xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu mới với Chính phủ Mỹ và đề nghị Chính phủ Mỹ thông báo cho cơ quan Hải quan Mỹ áp dụng mốc thời gian “load onto vessels” là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn B/L.

Đàm phán điều chỉnh giảm mức thuế xuống mức phù hợp nhất – dựa trên thực tế là Việt Nam không thao túng tiền tệ (theo báo cáo Bộ Tài chính Mỹ gần nhất), thặng dư thương mại là kết quả của chuỗi cung ứng toàn cầu mà trong đó có nhiều sản phẩm, nhãn hàng có sự tham gia của một số doanh nghiệp Mỹ, và nông thủy sản là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân nên đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét mức thuế phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Trong chuỗi cung ứng của ngành nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng ngàn tấn khô đậu tương từ Mỹ với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 0%.

Theo đó, đàm phán với Chính phủ Mỹ không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng. Chính phủ Việt Nam xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hoá là thuỷ sản được nhập khẩu từ Mỹ – trong đó, đặc biệt chú ý tới các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ… vì thực tế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Mỹ là không đáng kể và thậm chí gần như không có (ví dụ: cá ngừ). Việc này để có cơ sở đàm phán và đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu đối ứng là 0% tương tự phía Việt Nam áp dụng cho Mỹ.

Theo TTXVN, tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực. Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Nguồn: https://danviet.vn/my-du-kien-ap-thue-46-van-co-hon-37000-tan-thuy-san-viet-nam-dang-tren-duong-sang-my-d1322203.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *