Chuyển tới nội dung

Hội Thủy Sản Kiên Giang

Thủ tướng có Công điện chỉ đạo chấn chỉnh, vì sao thủ tục xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu, giấy chứng nhận thủy sản khai thác vẫn “máy móc, cứng nhắc”?

Dù Thủ tướng đã có Công điện chỉ đạo chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác, tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện tại, tình trang này vẫn diễn ra “máy móc, cứng nhắc”.

Trước những khó khăn trên, ngày 28/4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sau khi Nghị định 37 ban hành ngày 4/4/2024 và có hiệu lực từ 19/5/2024 (sau đây gọi tắt là NĐ 37), ngành hải sản khai thác và đặc biệt các mặt hàng cá ngừ đã gặp vướng mắc lớn liên quan đến quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác và quy định không trộn lẫn nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Ngày 13/5/2024, trước khi NĐ 37 có hiệu lực, và các doanh nghiệp đã có báo cáo kịp thời (Văn bản số 54) với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những bất cập, vướng mắc phát sinh. Đến nay, đã gần 1 năm, với nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị của các Hội ngành thủy sản và một số cuộc họp đối thoại liên quan, các doanh nghiệp và ngư dân khai thác “trông đợi từng ngày” Nghị định sửa đổi một số nội dung Nghị định 37/2025 kể trên để có thể sản xuất, xuất khẩu khối lượng lớn cá ngừ đã được ngư dân khai thác trong suốt gần 1 năm qua, cũng như đảm bảo và khơi thông việc ngư dân các tỉnh miền Trung tiếp tục khai thác cá ngừ bình thường khi mùa vụ lại chuẩn bị bắt đầu.

Với quy định hiện hành của NĐ 37, các cảng cá không thể ký xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) và vì vậy đang có nhiều hệ lụy cho chuỗi sản xuất, xuất khẩu.

Theo đó, lượng nguyên liệu các mặt hàng cá ngừ (vằn, vây vàng…) mà ngư dân đã và đang khai thác được trong suốt gần 1 năm qua đều đang dồn ứ khối lượng lớn nhưng lại không thể xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đang có FTA như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, CPTPP… do không có xác nhận nguyên liệu khai thác của các cảng thì doanh nghiệp không thể làm được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi theo các FTA này.

“Trong bối cảnh thị trường Mỹ đang rất khó khăn, các doanh nghiệp ngành hàng hải sản như cá ngừ đang rất hoang mang và lo ngại, mong ngóng từng ngày để có thể khơi thông nguồn lực này giúp doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ”.

Bất cập hiện tại cũng đang có rủi ro lớn hơn khi nguy cơ “thất thoát” cơ hội chiếm lĩnh thị trường với các đối thủ cạnh tranh khác như Ecuador, Peru… những quốc gia đang tận dụng tối đa hạn ngạch và cơ chế trong các FTA với EU. Bên cạnh đó các nước như Thái Lan, Philippin, Indonesia là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt nam trong khu vực Đông Nam Á. Nếu chúng ta không tháo gỡ được khó khăn trên thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trên tại các thị trường đang có FTA này.

Theo cập nhật đến 25/4/2025 trên trang web của ủy ban EC về theo dõi hạn ngạch nhập khẩu cá ngừ trong Hiệp định EVFTA, thì lượng cá ngừ (HS 16) mà EU nhập của Việt Nam mới được 2.450 tấn trong tổng số hạn ngạch 11.500 tấn/năm (thuế suất 0%), đạt khoảng 21,3% hạn ngạch.

Trong khi tương đương thời điểm cuối tháng 4/2024, lượng này đã là hơn 8.000 tấn (gấp gần 3,5 lần so với 4 tháng đầu năm 2025) và khoảng sang tuần thứ 2 của tháng 6/2024 đã hết hạn ngạch của Hiệp định.

Do vướng một số quy định của Nghị định 37 ngày 4/4/2024, các cảng cá không thể ký xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) dẫn đến gần 1 năm qua lượng nguyên liệu các mặt hàng cá ngừ (vằn, vây vàng…) mà ngư dân khai thác được đang bị dồn ứ khối lượng lớn nhưng lại không thể xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đang có FTA như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, CPTPP…

Để khơi thông cho xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải quyết kịp thời các ách tắc lớn trong chuỗi, cho hoạt động bình thường của ngư dân, gia cố lợi thế cạnh tranh trước các quốc gia xuất khẩu khác và đảm bảo góp phần quan trọng cho chỉ tiêu tăng trưởng 8% của năm nay.

Một vướng mắc nữa, đó là sự bất cập, vướng mắc trong thủ tục xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C). Theo đó, thời gian kiểm tra, cấp giấy lâu và kéo dài hơn thời gian quy định; tỷ lệ số hồ sơ (lô hàng) được cấp giấy để có thể tiếp tục cho xuất khẩu ít so với số hồ sơ doanh nghiệp đã nộp cho cảng cá (tỷ lệ này chưa được 50%); không ít hồ sơ “bị” trả lại với các lý do khác nhau, bao gồm cả những lý do không phải là trọng số hoặc không có trong quy định pháp luật.

Một vài ví dụ điển hình mà hồ sơ “xin cấp giấy S/C” của doanh nghiệp bị từ chối cấp SC với các lý do như sau: “Nhật ký tờ ký tên không ghi ngày tháng năm” hoặc “Nhật ký tổng sai lượng” hoặc “Nhật ký không tổng lượng” hoặc “Nhật ký sai công suất máy” hoặc “Nhật ký không ghi giờ”…

Trường hợp “Nhật ký không tổng lượng”: Thuyền trưởng tàu khai thác đã ghi đầy đủ chi tiết từng dòng theo mẫu nhật ký khai thác, nhưng dòng tổng cuối cùng là tổng lượng lại thì không cộng và ghi vào. Việc ngư dân không cộng số lượng và ghi vào dòng cuối tổng lượng được Ban quản lý cảng cá cho là “sai” và từ chối cấp giấy S/C cho lô hàng, trả lại hồ sơ. Việc này đồng nghĩa “lô hàng vi phạm IUU”.

Đặc biệt, chủ hàng cũng không được ghi thêm vào dòng tổng lượng này cho đủ thông tin của hồ sơ dù việc này không làm thay đổi bản chất của sự việc là “khai thác vi phạm IUU hay không vi phạm IUU”.

“Số lô hàng có thể xuất khẩu ít đi, chi phí thời gian tuân thủ là lớn, rủi ro bị khách hàng phạt hoặc từ chối hợp đồng và các doanh nghiệp thì luôn trong trạng thái lo lắng không thể chủ động trong sản xuất, xuất khẩu, khó khăn do tồn kho cao, giảm lượng tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân”.

Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thống nhất toàn quốc về các tiêu chí cấp giấy S/C, C/C cho các lô hàng khai thác. Trong đó, tiêu chí cần thiết nào để đủ điều kiện cấp giấy; những trường hợp như nào (liên quan đến vi phạm IUU) thì không được cấp giấy; những trường hợp như nào thì cho phép bổ sung thông tin, hồ sơ; thời gian xử lý hồ sơ trong bao lâu.

Chỉ đạo các Chi cục thủy sản, Ban quản lý cảng cá tiếp tục đẩy mạnh việc công khai thông tin về tình trạng các tàu cá vi phạm quy định IUU, các thông tin tàu khai thác có vi phạm (mất kết nối, khai thác sai vùng,…) trang bị màn hình cập nhật thông tin ngay tại cảng cá để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và lựa chọn mua nguyên liệu hợp pháp, phù hợp làm cơ sở cho việc xin giấy S/C, C/C.

Về những khó khăn của doanh nghiệp nêu trên, trước đó, ngày 5/12/2024, Thủ tướng đã ký Công điện số 127 về việc chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng đơn vị quản lý cảng cá và cơ quan quản lý thủy sản địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định hiện hành hoặc áp dụng máy móc, cứng nhắc, lạm dụng quy định để yêu cầu thêm một số nội dung pháp luật chưa quy định đã gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ. Hồ sơ tồn đọng khiến cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó.

Theo số liệu của hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2024 đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023, 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 228 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang hơn 75 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Nga, Canada và Thái Lan là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

Nguồn: https://danviet.vn/thu-tuong-co-cong-dien-chi-dao-chan-chinh-vi-sao-thu-tuc-xin-cap-giay-xac-nhan-nguyen-lieu-giay-chung-nhan-thuy-san-khai-thac-van-may-moc-cung-nhac-d1329812.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *