Chuyển tới nội dung

Hội Thủy Sản Kiên Giang

Sản xuất theo ESG Giải pháp giảm giá thành nuôi tôm

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành nông nghiệp trên toàn cầu, một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam đã đầu tư thực hành ESG. Với ngành hàng chủ lực của nền nông nghiệp, doanh nghiệp nuôi tôm cũng đã tiên phong ứng dụng để mang lại thành công.

Xu thế tất yếu

ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là các bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, ESG đang là xu thế tất yếu trên toàn thế giới và cũng là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL – điểm nóng về những tác động của biến đổi khí hậu.

Như với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, phía EU đang áp dụng các quy định mới. Nhất là chứng nhận bền vững như ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council) sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Để đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư vào công nghệ xanh và cải thiện quy trình, điều này đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể.

Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh, riêng trong khâu chế biến thì việc xanh hóa là mắt xích không thể thiếu và tầm quan trọng của nó thuộc hàng đầu. Bởi vì đây là điểm giao thoa giữa bên hoàn thiện sản phẩm và bên tiêu thụ sản phẩm. Nếu mắt xích này không tốt thì người tiêu dùng khó cảm nhận được nỗ lực của bên tạo ra sản phẩm, việc tiêu thụ không đạt yêu cầu cao nhất. Cho nên các doanh nghiệp chế biến không thể coi nhẹ chuyện này.

Ứng dụng ESG trong ngành tôm

Cách đây 2 năm, Công ty TNHH EcoSeafood Group đã xây dựng E.S.G Farm, quy mô 30 ha, với 40 ao nuôi, đồng bộ ao ương dưỡng, xử lý nước thải, hệ thống lấy nước dài hơn 2 km để xử lý mầm bệnh và dành 30% diện tích trồng rừng.

TS Trần Hữu Lộc – người sáng lập, điều hành Công ty TNHH EcoSeafood Group cho biết, để mô hình nuôi dễ thành công thì phải “kéo” cả chi phí sản xuất và khấu hao cùng xuống thấp. Theo đó, muốn chi phí sản xuất thấp phải nuôi quy mô lớn, vì đây là lợi thế để tiếp cận nguồn đầu vào trực tiếp từ nhà máy với giá thấp (như thức ăn cho tôm), thay vì phải qua trung gian như nông dân nuôi nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, nhập hàng từ nhà máy giá có thể chỉ còn 20.000 – 22.000 đồng/kg, thay vì 40.000 đồng/kg khi mua trả chậm qua trung gian. Đây là cách làm giúp giảm chi phí biến đổi trong sản xuất. Nhờ vậy, tôm loại 50 con/kg (loại được nhà máy chế biến sử dụng nhiều nhất) ở E.S.G Farm chỉ có 50.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000 – 40.000 đồng/kg so với nông hộ nuôi nhỏ lẻ bên ngoài.

Với chi phí cố định (đầu tư hạ tầng), nhờ kéo dài vòng đời dự án lên đến 10 năm nên khấu hao được kéo xuống thấp. Nhờ vậy, khối lượng tôm cần để hòa vốn cũng thấp. Vì vậy, E.S.G Farm không bị áp lực phải nuôi mật độ cao như những trang trại công nghệ cao khác. Chi phí biến đổi ở trang trại nêu trên là 50.000 đồng/kg, nếu giá tôm nguyên liệu bán ra 100.000 đồng/kg thì cứ mỗi kg tôm lãi 50.000 đồng.

Hiện TS Trần Hữu Lộc đang làm việc với chính quyền tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, để nhanh chóng mở rộng mô hình. “Nông dân phải có suy nghĩ như chủ doanh nghiệp hoặc hợp tác theo hướng người có đất, người có tiền và người có kinh nghiệm quản lý”, ông Lộc chia sẻ và kỳ vọng, khi hàng trăm nghìn hộ nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ hiện nay gom lại thì sẽ tạo nên vài nghìn nông trại có quy mô lớn, nuôi tôm với công nghệ cao, hiệu quả tốt để đem lại nguồn lợi không chỉ cho nông dân mà còn cho cả ngành tôm Việt Nam.

VÂN ANH

Nguồn: https://thuysanvietnam.com.vn/san-xuat-theo-esg-giai-phap-giam-gia-thanh-nuoi-tom/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *