Chuyển tới nội dung

Hội Thủy Sản Kiên Giang

Hiểm họa khôn lường từ sử dụng clo lỏng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, clo được các farm nuôi sử dụng phổ biến, rộng rãi để khử trùng nước vùng nuôi dưới dạng bột, bởi sản phẩm hợp quy, độ an toàn cao, hầu như không giải phóng khí clo độc hại ra môi trường.

Nhưng thời gian gần đây, các hộ dân nuôi tôm ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tự phát chuyển sang sử dụng clo lỏng để khử trùng nước vùng nuôi.

Clo lỏng khi bị rò rỉ sẽ rất nguy hiểm, đòi hỏi yêu cầu cao nghiêm ngặt về bình chứa và phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Trong ảnh là việc vận chuyển clo lỏng bằng phương tiện không đảm bảo an toàn.

Theo các chuyên gia, phương pháp khử trùng, diệt khuẩn trong xử lý nước nuôi tôm bằng clo lỏng được nhiều hộ nuôi lựa chọn do dễ mua, giá thành rẻ. Tuy nhiên, clo lỏng thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm, bị hạn chế sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Luật Hóa chất, Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, cơ sở đại lý, nhà phân phối kinh doanh và hộ sử dụng clo lỏng cần phải đăng ký hoạt động hóa chất với cơ quan quản lý nhà nước. Clo lỏng phải được chứa trong bình chuyên dụng, thực hiện kiểm định bình chứa định kỳ. Kho chứa bình clo lỏng phải đạt tiêu chuẩn an toàn về khoảng cách với khu dân cư và bắt buộc phải có hệ thống hút xử lý sự cố hóa chất.

Clo lỏng được lưu trữ không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh và sử dụng clo lỏng hàng năm phải xây dựng các biện pháp phòng ngừa, đánh giá rủi ro và lập kế hoạch, diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, báo cáo tình hình sử dụng hóa chất cho cơ quan quản lý.

Người trực tiếp tiếp xúc với hóa chất clo lỏng cần được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, được đào tạo về an toàn lao động và quy trình xử lý sự cố hoá chất; cách ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố.

Các chuyên gia phân tích, clo lỏng đang được mua bán sử dụng dễ dàng sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm; nhất là khi người bán không quan tâm người mua là ai, sử dụng hóa chất ra sao. Còn người mua cũng chẳng quan tâm đến mức độ độc hại và nguy hiểm của nó, cứ tùy tiện sử dụng.

Lắp đặt, sử dụng clo lỏng trong xử lý nước vùng nuôi thủy sản chưa đúng quy định.

Nếu xảy sự cố rò rỉ clo lỏng sẽ tác hại vô cùng lớn, không chỉ về mặt kinh tế (gây cá chết, tôm chết, lúa chết, ô nhiễm môi trường trên diện rộng….), hệ lụy lớn hơn là có thể gây tử vong cho người dân trên diện rộng trong vùng phát tán khí clo. Việc khắc phục sự cố hóa chất đòi hỏi kinh phí lớn, thời gian dài.

Mức độ nguy hiểm càng báo động hơn khi bất cứ ai muốn mua clo lỏng cũng dễ dàng mua được và mua số lượng bao nhiêu cũng có, được sang chiết chứa vào các bình chứa không đảm bảo đúng quy chuẩn; quá trình vận chuyển bằng các phương tiện tự phát không phải xe chuyên dụng; quy trình sử dụng clo lỏng khử trùng nước không đúng liều lượng cho phép…

Các chuyên gia cũng cảnh báo, khí clo từng được sử dụng làm vũ khí hóa học gây chết người hàng loạt trong chiến tranh thế giới thứ nhất do nó có thể gây chết người ở hàm lượng rất nhỏ; nhiều nước trên thế giới đã đưa hóa chất clo lỏng vào danh mục hạn chế sản xuất, sử dụng.

Nguồn: https://danviet.vn/hiem-hoa-khon-luong-tu-su-dung-clo-long-trong-xu-ly-nuoc-nuoi-trong-thuy-san-d1324680.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *