Nỗ lực mạnh mẽ trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thủy sản là điều phải làm tức thời hiện nay dù Chính phủ Mỹ đã hoãn việc áp thuế quan 90 ngày đối với nhiều nước, bao gồm Việt Nam với mức thuế đã công bố 46%, theo VASEP.
Sau khi Chính phủ Mỹ thông báo về việc hoãn này vào sáng nay 10/4, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho báo Dân Việt biết: Dù được hoãn 90 ngày nhưng ngành thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp không thể chủ quan.
VASEP nhấn mạnh đến việc thủy sản Việt Nam phải nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động không tăng trưởng đối với thị trường Mỹ, duy trì và theo dõi mọi động thái từ hôm nay; phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để cùng giải quyết các vấn đề phát sinh khác.
Kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới
Cung cấp thông tin cho báo Dân Việt, VASEP cho biết theo ý kiến từ các doanh nghiệp Việt, nếu việc đàm phán không thành công và Việt Nam vẫn bị áp mức thuế 46%, các doanh nghiệp sẽ ngồi lại cùng nhà nhập khẩu để cũng nhau bàn các giải pháp chia sẻ tổn thất từ thuế, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì thị trường Mỹ.

Ngành thủy sản Việt Nam sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nguồn: VASEP
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cho hay họ sẽ nghĩ đến việc chuyển hướng đến một số thị trường khác. VASEP cho biết, việc chuyển hướng thị trường sẽ rất khó khăn vì cần có chiến lược dài hạn trong sản xuất và xuất khẩu, nhu cầu của thị trường khác nhau, giá cả bán khác nhau và cả yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy cách, và thậm chí một thị trường quy định về xuất xứ chặt chẽ… Do đó, việc chuyển đổi thị trường sẽ còn gặp nhiều vướng mắc.
VASEP cho rằng, Việt Nam cần các chính sách hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ. Đó là do Mỹ là thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, nếu thị trường Mỹ bị biến động dẫn đến cả ngành thủy sản sẽ biến động theo, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nông dân, ngư dân và cả các ngành công nghiệp phụ trợ.
Nếu Mỹ vẫn giữ mức thuế 46%, việc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị đình trệ, thêm vào đó nếu việc chuyển đổi thị trường không thành công, hàng tồn kho nhiều sẽ dẫn đến nguồn vốn quay vòng sẽ bị hạn chế. Doanh nghiệp sẽ hạn chế thu mua nguồn nguyên liệu hoặc chỉ thu mua cầm chừng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông – ngư dân, người dân treo ao và chuyển sang hoạt động sinh kế khác.
Tương tự, các nhà máy sản xuất cũng sẽ hạn chế sản xuất. Để đảm bảo giữ việc làm cho người lao động, VASEP cho rằng doanh nghiệp sẽ chia ca cho công nhân, thời gian làm việc sẽ ít lại, thu nhập giảm đáng kể, dẫn đến đời sống người lao động thiếu ổn định.
Doanh nghiệp thủy sản đề xuất một số giải pháp khẩn cấp
Để giúp ngành thủy sản có thể ổn định tiếp tục sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp có đề xuất một số giải pháp ứng phó khẩn cấp.
Đầu tiên, theo VASEP, là đề xuất Chính phủ ký gấp sửa Nghị định 37 /2024/NĐ-CP để doanh nghiệp có chứng từ nguyên liệu đủ điều kiện xuất đi EU và các thị trường khác đã có FTA (hiệp định thương mại tự do).
Thực tế hiện nay, nguyên liệu thu mua không có các chứng từ này thì không thể đưa vào EU mà còn tất cả các thì trường có FTA khác vì không xin được giấy chứng nhận xuất xứ (CO) ưu đãi.

Nông dân nuôi cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh TL
Thứ nhì, xin đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thuế các địa phương đẩy nhanh việc hỗ trợ hoàn thuế VAT ngay để các doanh nghiệp có vốn xoay xở trong tình hình hiện nay.
Tình hình xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hiện nay
VASEP cho biết hiện nay, đối với những lô hàng thủy sản đang đi đến Mỹ dự kiến cập cảng và mở tờ khai trước ngày 27/5/2025, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cho hàng đi theo lộ trình.
Với những lô hàng đang đi và quá cảnh càng nhưng thời gian dự kiến đến Mỹ sau ngày 27/5, các doanh nghiệp đã thương lượng với đối tác bên Mỹ về việc tiếp tục cho hàng đi hoặc rút hàng về.
Về số lượng container để xuất hàng, VASEP cho biết hiện nay lượng container đang tập trung về Trung Quốc. Vì vậy, dù là đã lên lịch trước, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn xếp hàng chờ để xếp hàng lên tàu. Vì vậy nhiều lô hàng thủy sản dự kiến không kịp đến Mỹ trước ngày 27/5, do đó các doanh nghiệp tạm dừng xuất hàng từ 4/4/2025.
Các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng cho hay phía các nhà nhập khẩu rất chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam, và đồng ý ngồi lại đàm phán chia sẻ mức thuế đối ứng (của Chính phủ Mỹ) nếu việc đàm phán giữa hai chính phủ không đạt kết quả như mong đợi.
Một số đối tác nói doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam cứ chào giá khi áp thuế 46%, nếu khi có quyết định thuế chính thức sau đàm phán thì sẽ thay đổi lại báo giá và phần thuế này khách sẽ chịu. Một số doanh nghiệp báo với khách hàng rằng vẫn tiếp tục cho hàng đi, qua đến nơi dựa vào thời gian áp thuế họ sẽ chịu mức thuế này.